Thứ Ba, 23 tháng 10, 2007

Lịch năm 2008: Không được phép cung cấp số liệu sai!

(VietNamNet) - Chúng ta đã để người dân nhầm lẫn vì tra phải lịch nước ngoài bán tràn lan trên thị trường và nay lại tiếp tục để lộn xộn với lịch Việt Nam!

Đọc bài "Lịch Việt Nam 2008: Cọc cạch về tiết khí", tôi cho rằng, không thể biện minh cho việc cung cấp số liệu lịch sai với bất cứ lý do nào, dù rằng đó là số liệu đã được xét duyệt hay chưa được xét duyệt, đã được đóng dấu đỏ hay chưa được đóng dấu đỏ!
Số liệu lịch ít nhiều thể hiện bộ mặt khoa học, văn hoá của một quốc gia nên không thể làm tuỳ tiện theo ý một số người. Khi công bố cho cả nước, các sự kiện lịch sử sau này sẽ được ghi chép theo lịch hiện hành và cái sai sẽ tồn tại mãi mãi. Chúng ta đã để người dân nhầm lẫn vì tra phải lịch nước ngoài bán tràn lan trên thị trường và nay lại tiếp tục để lộn xộn với lịch Việt Nam! Đã có thắc mắc từ nhiều người dân, thậm chí gửi đến cả Thủ tướng để hỏi về lịch và hiển nhiên mọi người sẽ đặt câu hỏi: Các cơ quan khoa học và quản lý làm gì nhiều năm nay với mỗi một vấn đề tưởng chừng như không có gì phức tạp này? Và trách nhiệm thuộc về ai?
Trở lại vấn đề số liệu tiết khí cọc cạch mà bài báo đã nêu, tôi xin giải thích thêm ở đây để độc giả không chuyên được rõ. Số liệu lịch Âm Dương gồm 2 phần chính: Ngày tháng Âm lịch và tiết khí. Để tính Âm lịch, cần phải tính ngày mồng 1 đầu tháng, biết ngày đầu các tháng thì sẽ biết các ngày tiếp theo, còn muốn biết đó là tháng mấy, có nhuận hay không thì cần phải tính tiết khí. Chẳng hạn điểm Đông chí luôn luôn rơi vào tháng 11 âm, có thể lấy đây làm căn cứ để đánh số các tháng âm khác.
Khi không tính chính xác tiết khí thì không tính được Âm lịch, do vậy, ở ta, có rất nhiều sách lịch sao chép hay gọi là "biên soạn" từ các tài liệu bên ngoài đều không chỉ rõ số liệu tiết khí. Chính vì không hiểu rõ cách tính cũng như bản chất của tiết khí trong lịch Âm Dương nên đã dẫn đến một số phát biểu không đúng về khái nhiệm này, chẳng hạn, việc cải tiến hay thay đổi tiết khí sẽ vô hình chung làm thay đổi âm lịch mà chúng ta đang sử dụng hiện nay!
Số liệu về tiết khí trong các sách lịch đang lưu hành ở ta khá lộn xộn, có sách không ghi ngày tiết khí mà chỉ đề cập chung chung, có sách chỉ ghi ngày tiết mà không ghi giờ chuyển tiết, có sách ghi số liệu tiết khí chính xác trong phạm vi 2 giờ, có sách ghi chính xác đến phút nhưng theo theo giờ Bắc Kinh và thậm chí các sách cùng in tiết khí theo giờ Trung Quốc cũng sai lệch nhau rất nhiều, đến hàng tiếng…
Để khắc phục tình trạng này, trong cuốn "Lịch Việt nam thế kỷ XX-XXI, 1901-2100" (Nxb Văn hoá Thông tin, 2005), chúng tôi đã công bố giờ chuyển tiết chính xác đến phút theo giờ Việt Nam cho các độc giả quan tâm, nhất là những người nghiên cứu Cổ học Phương đông như là Thời châm sử dụng. Căn cứ để chúng tôi mạnh dạn đưa ra các số liệu này là các mô hình, phương pháp thiên văn hiện đại được sử dụng trong tính toán, là dựa trên hàng ngàn sự đối chiếu, so sánh với các kết quả đáng tin cậy khác (như của Đài Thiên văn Naval, Hoa Kỳ).
Cụ thể bảng sau trình bày số liệu tính toán một số giờ chuyển tiết của chúng tôi và của Đài thiên văn Naval trong năm 2008 sắp tới (theo giờ Việt Nam):
Tiết khí
Ngày/Tháng
Naval
Kết quả của chúng tôi
Xuân phân
20/03
12 giờ 48ph
12 giờ49ph
Hạ chí
21/06
06 giờ59ph
07 giờ 00ph
Thu phân
22/09
22 giờ 44 ph
22 giờ 45 ph
Đông chí
21/12
19 giờ 04 ph
19 giờ 04 ph
Không chỉ riêng chúng tôi mà anh Hồ Ngọc Đức ở Cộng hoà Liên bang Đức (http://www.informatik.uni-leipzig.de/) hay GS. Edward M. Reingold, một chuyên gia hàng đầu thế giới về lịch (Professor Edward M. Reingold, Illinois Institute of Technology, Chicago, U.S.A.) trong thư gửi gần đây cho chúng tôi cũng công bố các kết quả tương tự. Về 2 tiết cọc cạch mà Trung tâm Thông tin Tư liệu cung cấp cho các nhà xuất bản thì kết quả của chúng tôi và của anh Hồ Ngọc Đức là:
Tiết khí
Ngày/Tháng
Kết quả của chúng tôi
Hồ Ngọc Đức
Đại hàn
20/01
23 giờ giờ 44ph
23 giờ43ph
Cốc vũ
19/04
23 giờ52ph
23 giờ 50ph
Có thể thấy, do thời điểm chuyển tiết rơi vào gần nửa đêm nên các tính toán cũ kém chính xác hơn đã nhầm sang ngày hôm sau! Đây không phải là sai sót duy nhất nhưng đối với những việc đã xảy ra trong quá khứ thì chúng ta đành chấp nhận sự thật lịch sử, còn đối với số liệu tương lai như năm 2008 thì không thể bỏ qua! Không lẽ vì thiếu một Hội đồng xét duyệt, thiếu con dấu đỏ mà chúng ta vẫn chấp nhận các số liệu kém chính xác (Hội đồng khoa học cuối cùng xét duyệt về lịch là năm 1992)! Và điều trái khoáy này đã diễn ra gần 10 năm nay ở Ban Lịch Nhà nước (nay gọi là Phòng Nghiên cứu Lịch), thật sự không hiểu nổi các nhà quản lí?Trần Tiến Bình(Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam)

Không có nhận xét nào: